Ngày rằm tháng 8 sẽ trở nên nhộn nhịp và thú vị biết bao khi bạn tự tay làm những chiếc bánh Trung Thu truyền thống dành tặng những người thân yêu. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm bánh Trung Thu lại có khá nhiều vấn đề xảy ra khiến các chị em thắc mắc tại sao lớp vỏ bánh nướng Trung Thu mình làm lại không được ngon và đẹp mắt.
Sau đây, Bảo Ngọc sẽ chỉ ra những lưu ý và cách khắc phục các lỗi thường gặp về vỏ bánh nướng khi tự làm bánh Trung Thu truyền thống.
Công thức, định lượng và nguyên liệu làm bánh Trung Thu
Với cách làm vỏ bánh truyền thống thì các bạn cần lưu ý những điều sau:
Nếu không đúng định lượng vỏ bánh có thể sẽ bị cứng hoặc quá mềm khi bị bóng dầu.
Quá trình đóng bánh không đều tay sẽ bị mất các nếp bánh, hoặc không rõ nét.
Khi nướng vỏ bánh khô, cháy hoặc bị vỡ, đổi màu sau khi nướng hoặc nhân bánh bị tách ra khỏi vỏ bánh.
Do đó bạn nên sử dụng nước đường vừa phải, nước đường đậm bánh sẽ khô và cháy, nước đường nhạt làm bánh dễ bị nhão, nước đường càng mới thì bánh càng dễ nhão.
Bột sử dụng để làm bánh Trung Thu nên dùng bột đã được để một thời gian nhưng còn tốt, bởi vì bột mới độ hút ẩm không tốt dẫn đến tình trạng bánh bị nhão.
Bánh nướng bị khô, cứng
Các chị đã từng làm bánh Trung Thu nướng chắc chắn đã gặp phải trường hợp bánh của mình bị khô, cứng. Vậy nguyên nhân là gì và cách khắc phục nó như thế nào đây:
Nguyên nhân thứ nhất bánh nướng bị khô là bạn nướng bánh quá kỹ hoặc nướng bánh ở nhiệt độ lò quá cao.
Nguyên nhân thứ hai là do phần nhân và phần bánh ít dầu hoặc dầu chưa ngấm được vào phân nhân. Còn nếu chỉ phần vỏ bánh bị cứng thôi thì có thể là phần nước đường quá đặc.
Cách khắc phục:
Với trường hợp này các bạn nên để nhiệt độ lò phù hợp với kích thước cũng như trọng lượng của mỗi chiếc bánh. Lò nướng khác nhau thì nhiệt độ nướng cũng khác nhau nhé. Bánh bị khô là do bạn nướng bánh quá kỹ hoặc nướng bánh ở nhiệt độ quá cao. Bạn nên để nhiệt độ nướng bánh khác nhau tùy theo kích thước, trọng lượng của mỗi chiếc bánh, tỷ lệ vỏ bánh với nhân bánh.
Bánh nướng bị ướt
Bánh Trung Thu khi nướng xong đạt chuẩn là phải có phần vỏ hơi cứng như bánh quy, để 2-3 tuần lớp dầu của nhân ngấm vào phần vỏ sẽ khiến bánh mềm, ngon. Còn nếu khi nướng bánh xong lấy ra bánh có vỏ ngon vừa ăn thì bạn chỉ để 2-3 ngày là bánh sẽ bị ướt ở vỏ, chưa đạt.
Bên cạnh đó, cũng có một nguyên nhân khác nữa là dùng nước đường bị đọng hạt li ti để làm bánh sẽ khiến bánh bị ướt. Bởi vậy chúng ta mới thấy nước đường có tầm ảnh hưởng như thế nào đối với bánh Trung Thu.
Trong quá trình nướng bánh, chúng ta thường xịt thêm nước vào các lần nướng, nếu bạn xịt nhiều nước quá cũng khiến bánh bị ướt đấy nhé.
Cách khắc phục:
Chỉ cần chú ý các công đoạn nướng đúng độ cứng của bánh, nước đường nếu bị đọng hạt li ti thì không được dùng, chú ý việc xịt thêm nước trong quá trình nướng bánh Trung Thu.
Bánh bị nứt khi nướng
Bánh Trung Thu nướng bị nứt khi nướng là lỗi cơ bản khiến chiếc bánh nướng của bạn mất đi tính thẩm mỹ. Nguyên nhân có thể là do bạn nhào bột quá khô hoặc chưa để bột có thời gian nghỉ. Bên cạnh đó còn do phết quá nhiều lòng đỏ trứng gà, dầu ăn lên bánh hoặc phết trong khi vỏ bánh nướng chưa khô.
Cách khắc phục:
Cần chú ý hơn trong quá trình nhồi bột, không nhồi bột quá khô và phải để bột có thời gian nghỉ và nở đều.
Phết vừa đủ hỗn hợp trứng lên mặt bánh, sử dụng chổi chuyên dụng để quyết một lớp mỏng vừa đủ, và chỉ quết khi thấy vỏ bánh đã khô, đã se lại và không còn ướt.
Hy vọng những chia sẻ và bí quyết làm bánh Trung Thu ngon này có thể phần nào giúp ích được cho các chị em trong quá trình làm bánh. Chúc các chị thành công và tự tay làm được những chiếc bánh Trung Thu đậm vị truyền thống, ngon như bánh Trung Thu Bảo Ngọc.